Xôi mít cực kì được lòng người ăn bởi vị dẻo ngon của xôi thơm mùi cốt dừa, vị ngọt vừa phải của mít chín. Thêm chút nừa nạo, lạc rang hay muối vừng thì ngon miệng phải biết. Cách làm xôi mít cũng không phải là quá khó. Dưới đây sẽ hướng dẫn chi tiết với bạn cách làm món xôi mít nhiều màu, xôi mít ngũ sắc đang cực HOT nhé!
Nội dung
Nguyên liệu làm xôi mít nhiều màu
Chúng ta biết tới món xôi ngũ sắc cực kì đẹp mắt của người Tây Bắc. Cùng biến tấu với món xôi mít ngọt cốt dừa thơm ngon với các nguyên liệu cần chuẩn bị như sau:
Gạo nếp 500g | Màu xanh lá: 1 nắm lá dứa |
1/2 quả mít | Màu tím: 1 nắm lá cẩm tím |
150ml nước cốt dừa | Màu đỏ: 1/2 quả gấc |
Gia vị: Muối, dầu ăn, đường, rượu trắng | Màu hồng: 1/2 quả thanh long ruột đỏ hoặc 1 củ dền |
Ăn kèm: Dừa tươi nạo sợi, mè rang, lạc rang | Màu vàng: 1-2 củ nghệ tươi hoặc 1 nắm hạt dành dành |
Dụng cụ hấp xôi: nồi hấp hoặc nồi cơm điện có chõ hấp | Màu xanh lam: 4-6 hoa đậu biếc tươi hoặc khô |
Lưu ý:
Củ nghệ để tạo màu vàng cho xôi thì bạn có thể cân nhắc tăng hoặc giảm bớt. Nghệ có vị hơi đắng nên cho nhiều sẽ ảnh hưởng tới độ ngon.
Nguyên liệu tạo màu bạn căn chỉnh nhiều hay ít để cho màu sắc đậm hoặc nhạt hơn tùy ý.
Chọn mít làm xôi ngon
Làm xôi mít nên chọn loại mít dai hoặc mít Thái vừa chín tới sẽ ngon và giòn hơn, lúc tách múi dễ dàng, không bị nát.
Quả mít chín cây, dáng tròn đều, gai nở căng, không lõm. Những phần lõm thường có nhiều xơ, không có múi.
Bổ mít ra thấy múi mít vàng óng, cùi dày, xơ màu vàng hoặc hơi vàng là ngon, khi ăn thử không bị sượng.
Khi mua mít ngoài chợ thì bạn có thể bảo người bán bổ luôn mít ăn thử xem mít ngon hay không. Dù sao về nhà bạn vẫn phải bổ mít @@
Hướng dẫn cách làm xôi mít nhiều màu đơn giản
Bước 1: Lấy màu từ rau củ
Hoàn toàn sử dụng các rau củ quả để tạo màu cho xôi đẹp mắt, không dùng phẩm màu hay các chất hóa học. Phần nguyên liệu bạn sẽ sơ chế sau đó đem ngâm với gạo nếp để tạo nên từng màu sắc cho món xôi.
Cách làm xôi mít màu vàng từ nghệ
Củ nghệ đem rửa sạch, giã thật nhuyễn bằng cối hoặc cho vào máy xay sinh tố với 300ml nước xay nhuyễn. Lọc phần nước cốt màu vàng qua rây, loại bỏ bã.
Nếu dùng hạt dành dành thì bạn cho vào nồi đun sôi với 300ml nước cho tới khi màu vàng đậm đặc. Lọc qua rây lấy nước cốt màu vàng, bỏ xác hạt.
Đem bỏ nước cốt màu vàng vào 1 tô riêng.
Cách làm xôi mít lá dứa màu xanh
Lá dứa rửa sạch, cắt thành từng khúc. Đem lá dứa bỏ vào máy xay sinh tố cùng 300ml nước xay nhuyễn rồi lọc qua rây lấy nước cốt, bỏ bã.
Để riêng phần nước cốt xanh lá dứa ra 1 tô.
Cách tạo màu xôi mít tím từ lá cẩm
Lá cẩm đem rửa sạch, cho vào nồi đun sôi với 300ml nước để ra màu tím. Đợi nước lá cẩm nguội thì dùng rây lọc lấy phần nước cốt.
Để riêng phần nước cốt lá cẩm màu tím ra 1 tô.
Cách tạo màu đỏ cho xôi mít từ gấc chín
Gấc chín bạn nạo lấy phần thịt quả ra bát, tách hạt gấc.
Cho thêm vào phần thịt gấc 1 ít rượu trắng để gấc dậy mùi thơm hơn.
Cách làm xôi mít hoa đậu biếc màu xanh lam
Hoa đậu biếc cho vào nồi đun sôi với 300ml nước để ra hết màu xanh lam.
Lọc bỏ xác hoa qua rây, lấy phần nước cốt và để riêng vào 1 tô
Cách tạo xôi mít màu hồng từ củ dền đỏ
Củ dền rửa thật sạch, cạo vỏ ngoài và xắt thành từng khúc. Đem củ dền luộc với 300ml nước để thu được màu hồng đậm.
Chắt lấy phần nước cốt và để riêng ra 1 tô.
Bước 2: Ngâm gạo nếp
Gạo nếp đem vo thật sạch vài ba lần, nhặt bỏ sạn, vụn trấu. Chia gạo nếp thành từng phần tương ứng với từng tô nước cốt rau củ quả.
Gạo nếp sẽ ngâm với nước cốt nghệ, lá dứa, lá cẩm, hoa đậu biếc, củ dền đỏ. Ngâm gạo qua đêm từ 6-8 tiếng để khi hấp xôi sẽ nhanh hơn, mềm dẻo ngon hơn.
Sau khi ngâm xong, vớt từng loại gạo ra rổ riêng, để ráo nước. Cho thêm 1 chút muối và dầu ăn vào từng loại màu nếp và xóc thật đều. Muối sẽ giúp món xôi đậm đà hơn, dầu ăn giúp xôi bóng bẩy.
Phần gấc đã sơ chế bạn cũng đem trộn chung với gạo và xóc thêm chút muối, dầu ăn.
Bước 3: Hấp xôi bằng xửng
Bắc nồi lên bếp, đổ khoảng 1/3 nước vào ngăn chứa nước rồi đun sôi.
Trong khi chờ đợi nước sôi thì cho gạo vào xửng hấp. Ngăn riêng từng màu gạo nếp để khi hấp xôi sẽ không bị lẫn màu. Có thể ngăn bằng lá chuối hoặc dùng loại khay ngăn chuyên dụng khi hấp xôi.
Khi nước sôi thì cho xửng gạo lên hấp, đậy khăn lên mặt để tránh hơi nước đọng lại rơi xuống làm nhão xôi.
Hấp xôi khoảng 20 phút thì xôi chín tới. Mở vung xửng và xới xôi ra mâm cho nguội bớt. Cho thêm nước cốt dừa vào xôi và trộn thật đều, trộn vừa đủ ẩm. Nếu thích xôi có vị ngọt thì cho thêm chút đường.
Tiếp tục hấp xôi lần 2 khoảng 10 phút nữa, kiểm tra thấy hạt gạo nở trong, căng mọng thì xôi đã chín. Tắt bếp, xơi xôi ra để nguội.
Bước 3: Tách mít nhồi xôi
Múi mít bạn tách riêng ra khỏi quả. Khứa dọc múi mít lấy phần hột ra ngoài.
Nhồi đầy xôi vào múi mít, tránh nhồi nhiều quá làm múi mít bị rách.
Bước 4: Cách làm nước dừa ăn kèm xôi mít
Ăn kèm xôi mít với nước dừa dưới lên trên cũng khá ngon. Bạn nên chuẩn bị thêm nhiều nước cốt dừa nhé!
Nấu 200ml nước cốt dừa với 20g đường, 1 xíu muối đun sôi
Hòa 1/2 muỗng cà phê bột năng với nước lạnh rồi cho vào nồi nước dừa đang sôi. Nhanh tay khuấy đều để tạo độ sánh cho nước cốt dừa là xong rồi đó.
Bước 5: Thưởng thức thành phẩm
Dọn món xôi mít ra đĩa, rắc thêm mè rang, lạc rang, dừa nạo lên trên xôi và thưởng thức. Món xôi mít dẻo ngon của từng hạt xôi, thơm mùi nước cốt dừa cùng vị giòn ngọt của mít.
Như vậy, cách làm xôi mít ngũ sắc nhiều màu không quá khó thực hiện. Tuy khâu chuẩn bị nguyên liệu thì khá nhiều loại khác nhau nhưng bạn lại thu được thành quả cực kì ưng ý cũng không uổng công mày mò đúng không nào.