3 “Phiên Bản” Cách Làm Xôi Khúc Không Có Lá Khúc Mà Vẫn Ngon

Hướng dẫn 3 phiên bản cách làm món xôi khúc (xôi cúc) không có lá khúc để các mẹ thỏa sức đổi vị cho bữa ăn gia đình mình. Không cần quá cầu kì, chỉ với vài bước đơn giản là bạn đã có món xôi khúc ngon.

Không phải mùa nào cũng có sẵn lá khúc tươi ngon để làm xôi khúc. Vậy thay lá khúc bằng lá gì để làm bánh mà vẫn đảm bảo được độ ngon dẻo của gạo nếp, bùi béo của đậu xanh nhân thịt? Để thay thế lá khúc thì có nhiều nguyên liệu rau củ tự nhiên khác như: lá nếp,rau cải bó xôi, rau ngót để tạo màu xanh, lá cẩm tạo màu tím,….

Nội dung

1 Cách làm xôi khúc đậu xanh lá dứa (lá nếp )

Lá dứa (lá nếp) thường được dùng khi nấu xôi để tạo ra màu xanh đẹp mắt. Trong cách làm xôi bánh khúc không có lá khúc thì chúng ta cũng khéo léo dùng lá nếp biến tấu tạo màu để có được món ăn ngon.

Lá nếp chuyên dùng nhuộm màu xanh khi nấu xôi, làm thạch,...
Lá nếp chuyên dùng nhuộm màu xanh khi nấu xôi, làm thạch,…

Nguyên liệu làm xôi khúc lá dứa

Lựa chọn các nguyên liệu ngon để làm bánh xôi khúc nhé. Hạt gạo nếp chọn loại căng mẩy, màu trắng đục, không bị vỡ nát, không có mùi lạ. Thịt ba chỉ tươi ngon, không bị ôi do để lâu.

  • 300 g gạo nếp cái hoa vàng
  • 200g thịt ba chỉ
  • 200 g bột nếp
  • 300 g đỗ xanh
  • Lá dứa 1 bó
  • Hành khô
  • Tiêu, muối
  • Dầu ăn

Hướng dẫn cách làm xôi khúc lá dứa từ A->Z

Bước 1: Ngâm gạo nếp

Gạo nếp đem vo sạch, loại bỏ sạn, trấu. Ngâm gạo nếp qua đêm từ 6-8 tiếng. Nếu đem ngâm với nước ấm khoảng 4-5 tiếng.

Vớt gạo ra rổ lớn để ráo nước. Trộn 1 ít muối với gạo nếp rồi xóc đều lên. Khi hấp xôi bánh khúc, hạt gạo nếp sẽ có vị đậm đà hơn.

Bước 2: Làm vỏ bánh khúc lá dứa

Lá dứa đem rửa sạch, để ráo nước, xắt thành khúc nhỏ.

Cho lá nếp vào cối hoặc máy xay sinh tố, thêm chút nước ấm 70°C xay nhuyễn, chắt lấy nước cốt, lọc bỏ phần bã. Nước ấm khi nhào bột sẽ giúp bột nở, dẻo, mềm mịn hơn. Nếu bạn xay với nước lạnh thì phần nước cốt lá dứa bạn bắc lên bếp đun nóng trước khi nhào bột

Lá nếp cắt nhỏ rồi đem xay lọc lấy nước cốt
Lá nếp cắt nhỏ rồi đem xay lọc lấy nước cốt

Cho bột nếp vào tô lớn. Từ từ đổ nước cốt lá nếp vào trong tô bột và trộn đều. Nhào thật đều tay cho tới khi bột dẻo, mịn, không bị dính.

Phủ kín miệng tô bột bằng màng bọc thực phẩm hoặc khăn, để bột nghỉ trong vòng 30 phút.

Nhào bột nếp với nước cốt lá nếp cho thật mịn, dẻo
Nhào bột nếp với nước cốt lá nếp cho thật mịn, dẻo

Bước 3: Làm nhân bánh khúc lá dứa

Đậu xanh vo sạch, đem ngâm với nước nóng khoảng 1-2 giờ để hạt đậu nở ra, khi hấp sẽ nhanh mềm hơn.

Cho đậu xanh lên xửng hấp chín. Dùng thìa hoặc cho vào máy xay sinh tố xay nhuyễn.

Đậu xanh đem hấp chín, xay nhuyễn
Đậu xanh đem hấp chín, xay nhuyễn

Thịt ba chỉ đem rửa sạch, thái thành hạt lựu vừa phải, không cần quá nhỏ. Hành củ bóc vỏ, rửa sạch, thái lát mỏng

Bắc chảo lên bếp, phi thơm hành. Cho thịt heo, muối, tiêu vào xào chung, đảo đều để thịt chín tới. Tiếp tục cho đậu xanh đã nghiền vào xào chung. Bạn chỉ cần đảo sơ qua cho thơm là được vì khi hấp xôi thì các nguyên liệu cũng được làm chín.

Đợi phần đậu xanh và thịt nguội bớt thì nắm thành những viên tròn cỡ quả trứng gà.

Vo tròn phần đậu xanh nhân thịt cỡ quả trứng gà
Vo tròn phần đậu xanh nhân thịt cỡ quả trứng gà

Bước 4: Làm bánh khúc

Bột vỏ bánh vừa ủ đem nhào lại 1 lần nữa rồi chia phần bột tương ưng với số nhân đậu xanh vừa làm.

Ấn dẹt vỏ bột bánh, cho nhân đậu xanh vào giữa, vo viên kín nhân đậu là xong.

Nặn bánh khúc
Nặn bánh khúc với nhân đậu xanh

Lăn bánh khúc qua 1 lớp gạo nếp mỏng chuẩn bị đem đi hấp chín.

Lăn bánh khúc qua lớp gạo mỏng
Lăn bánh khúc qua lớp gạo mỏng

Bước 5: Hấp xôi khúc lá nếp

Chuẩn bị sẵn xửng hấp. Dải 1 lớp gạo nếp xuống đáy xửng, tiếp theo bỏ xôi khúc vào và dải thêm 1 lớp gạo nếp lên mặt trên.

Phủ 1 lớp khăn lên trên miệng xửng để tránh hơi nước đọng rớt xuống làm xôi nhão.

Đổ nước khoảng 1/3 diện tích nồi hấp đun cho tới khi sôi. Đặt xửng vào trong nồi hấp trong khoảng 30-45 phút là bánh xôi khúc chín.

Hấp chín bánh khúc lá dứa
Hấp chín bánh khúc lá dứa

Bước 6: Thưởng thức món xôi khúc lá dứa nhân đậu xanh

Dùng muỗng lấy từng bánh xôi khúc ra khỏi xửng và thưởng thức thôi nào.

Xôi khúc ăn kèm với ruốc, chả, giò hay lạc, vừng rang đều ngon.

Bánh khúc mềm, hạt xôi dẻo, căng mọng, nhân đậu xanh thịt béo bùi kết hợp với vỏ ngoài thơm dẻo của lá dứa thật ngon.

Món bánh khúc lá nếp ngon dẻo, đẹp mắt đã hoàn thành
Món bánh khúc lá nếp ngon dẻo, đẹp mắt đã hoàn thành

Lưu ý: Nếu muốn hạt xôi có màu xanh của lá dứa thì bạn ngâm gạo nếp với nước cốt lá dứa để qua đêm.

2 Cách làm xôi khúc màu tím lá cẩm

Lá cẩm được dùng để tạo màu tím khi nấu xôi ngũ sắc vừa đẹp lại ngon. Bạn cũng thêm chút màu sắc với món xôi khúc bằng lá cẩm với cách làm dưới đây khi không có lá khúc.

Cây lá cẩm tạo màu tím khi nấu xôi, chè, thạch,...
Cây lá cẩm tạo màu tím khi nấu xôi, chè, thạch,…

Nguyên liệu làm xôi khúc lá cẩm

Dưới đây bạn chuẩn bị nguyên liệu làm bánh khúc lá cẩm cho 4 người ăn.

  • Gạo nếp 500g
  • Bột nếp 300g
  • Thịt ba chỉ 100g
  • Đậu xanh 200g
  • Lá cẩm 1 bó
  • Hành tím, tiêu
  • Muối, dầu ăn

Hướng dẫn cách làm xôi khúc lá cẩm đơn giản

Bước 1: Ngâm gạo nếp, đậu xanh

Gạo nếp đem vo sạch, ngâm qua đêm từ 6-8 tiếng. Sáng hôm sau vớt ra để ráo nước, cho 1 ít muối vào gạo nếp rồi xóc đều. Khi hấp xôi sẽ đậm đà ngon hơn.

Đậu xanh cũng đem đãi sạch rồi ngâm qua đêm. Nếu bạn vội thì đem ngâm với nước nóng khoảng 1-2 tiếng là được.

Bước 2: Làm vỏ bánh khúc lá cẩm

Lá cẩm rửa sạch, cho vào nồi luộc để ra màu. Lọc lấy phần nước màu, loại bỏ bã. Càng nhiều lá cẩm thì màu tím sẽ đậm hơn.

Lá cẩm luộc kỹ lọc lấy nước cốt
Lá cẩm luộc kỹ lọc lấy nước cốt

Bột nếp đem bỏ vào 1 tô lớn, từ từ đổ nước lá cẩm hòa vào trong bột nếp để tạo màu cho vỏ bánh khúc. Nhào thật đều tay đến khi nào bột dẻo, mịn, không bị dính tay là được.

Dùng màng bọc thực phẩm chùm kín tô bột lại để bột nghỉ khoảng 30 phút.

Trộn bột nếp với nước cốt lá cẩm
Trộn bột nếp với nước cốt lá cẩm

Bước 3: Làm nhân xôi khúc lá cẩm

Đậu xanh đem hấp chín rồi dùng cối giã nhuyễn đậu cho mịn.

Thịt ba chỉ rửa sạch với nước, thêm vào 1 chút muối để khử sạch mùi hôi và rửa lại lần nữa. Thái thịt thành hạt lựu vừa phải.

Hành tím bóc vỏ, băm nhỏ cho lên chảo phi thơm. Tiếp theo cho thịt ba chỉ, muối, tiêu vào đảo đều tay cho tới khi thơm. Phần đậu xanh đã giã nhuyễn cũng bỏ chung vào xào. Đảo đều cho thịt và đậu xanh hơi dính lại để dễ vo tròn.

Để phần nhân nguội rồi lấy ra và nắm thành những viên cỡ quả trứng gà.

Bước 4: Nặn bánh khúc

Bột nếp đem chia thành từng phần nhỏ rồi vo tròn lại, ấn dẹt. Cho viên nhân đậu xanh vào giữa, túm lại, vo tròn.

Nặn hình bánh khúc lá cẩm nhân đậu xanh
Nặn hình bánh khúc lá cẩm nhân đậu xanh

Lăn phần bánh đã nặn qua lớp gạo mỏng. Làm lần lượt cho tới khi hết bột bánh và phần nhân.

Bước 5: Hấp bánh khúc lá cẩm

Chuẩn bị sẵn xửng hấp, dải đều 1 lớp gạo nếp xuống dưới. Xếp từng bánh khúc lên trên, nên để ra khoảng cách giữa cách viên bột để khi hấp chín bánh nở là vừa. Dùng phần nếp còn lại phủ lên trên mặt bánh.

Đổ nước khoảng 1/2 nồi hấp, đun sôi rồi đặt xửng bánh khúc lên trên. Lấy 1 cái khăn phủ lên trên mặt xửng để tránh hơi nước đọng lại khiến xôi nhão.

Hấp khoảng 30-45 phút thì món xôi khúc lá cẩm đã hoàn thành.

Hấp chín bánh khúc lá cẩm khoảng 30-45 phút
Hấp chín bánh khúc lá cẩm khoảng 30-45 phút

Bước 6: Thưởng thức thành phẩm

Món xôi khúc lá cẩm đã chín dẻo ngon, mùi thơm. Lớp vỏ bánh có màu tím đẹp mắt, vị bùi béo của đậu xanh, thịt heo.

Xôi khúc lá cẩm ăn kèm với ruốc, lạc rang, chả,… đều ngon.

Để bảo quản bánh khúc thì bạn bọc kín rồi để trong ngăn mát tủ lạnh. Có thể để được hơn 1 tuần. Khi ăn thì đem hấp lại là được.

Lưu ý: Nếu bạn muốn hạt gạo nếp có màu tím như lớp vỏ bánh thì đem gạo nếp ngâm cùng nước lá cẩm rồi để qua đêm.

3 Cách làm bánh xôi khúc gạo lứt đen

Gạo lứt đen được biết tới giá trị dinh dưỡng cao, giàu vitamin, khoáng chất rất tốt cho sức khỏe. Ăn gạo lứt còn giúp giảm cân, hỗ trợ tiêu hóa, ngăn ngừa tiểu đường, béo phì, giúp xương khớp khỏe mạnh.

Gạo lứt đen giảm cân tốt cho sức khỏe
Gạo lứt đen giảm cân tốt cho sức khỏe

Xôi khúc được làm từ gạo lứt khi ăn sẽ ít tăng cân hơn so với dùng gạo nếp thường nên được nhiều điểm cộng từ các chị em.

Nguyên liệu làm xôi khúc gạo lứt đen

  • 500g gạo lứt đen
  • 200g đậu xanh
  • 300g bột nếp
  • 200g thịt ba chỉ
  • Hành củ
  • Muối, tiêu, dầu ăn

Từng bước làm bánh khúc gạo lứt

Bước 1: Ngâm gạo lứt

Gạo lứt vo sạch, nhặt sạn, vỏ trấu. Ngâm trong nước lạnh để qua đêm từ 5-7 tiếng.

Sau khi ngâm xong, vớt ra, để ráo và xóc đều với 1 chút muối.

Đậu xanh vo sạch, ngâm để qua đêm.

Bước 2: Làm vỏ bánh khúc gạo lứt

Bột nếp đem bỏ vào tô lớn, từ từ đổ nước hơi ấm vào, trộn đều. Nhào bột thật đều cho tới khi bột dẻo, mịn, không dính tay là được.

Trộn bột nếp dẻo, mịn, không dính tay
Trộn bột nếp dẻo, mịn, không dính tay

Dùng màng bọc thực phẩm hoặc khăn sạch đậy kín miệng tô, để bột nghỉ khoảng 30 phút

Bước 3: Làm nhân xôi khúc gạo lứt đen

Đậu xanh đem lên xửng hấp chín mềm. Nghiền nhuyễn đậu xanh bằng cối hoặc máy xay sinh tố.

Thịt ba chỉ đem rửa sạch, thêm chút muối để khử mùi hôi. Thái thịt thành miếng vuông nhỏ vừa phải.

Hành củ bóc vỏ, băm nhỏ đem lên xào cho thơm. Sau đó cho thịt, muối, tiêu vào xào cùng. Tiếp tục cho đậu xanh vào trộn đều cho các nguyên liệu cùng ngấm gia vị.

Đợi hỗn hợp nhân đậu xanh và thịt nguội bớt thì ta đem vo thành từng viên cỡ quả trứng gà.

Bước 4: Nặn bánh khúc

Đem bột vỏ bánh vừa ủ ra nhào lại 1 lần nữa cho thoát hết bọt khí.

Vo bột thành từng viên tròn, cán mỏng. Cho viên nhân đậu xanh vào giữa, bọc kín lại rồi vo tròn. Làm lần lượt cho tới khi hết phần bột và nhân bánh.

Lăn từng viên bánh qua 1 lớp gạo lứt

Vo bột nếp tròn, ấn dẹt và cho nhân đậu xanh vào giữa
Vo bột nếp tròn, ấn dẹt và cho nhân đậu xanh vào giữa

Bước 5: Hấp xôi khúc gạo lứt

Lấy xửng hấp dải 1 lớp gạo lứt bên dưới rồi xếp lần lượt bánh khúc vào. Xếp bánh cách xa nhau chút để khi chín không dính vào nhau. Dải số gạo lứt còn lại lên trên. Dùng khăn sạch đậy lên miệng xửng để khi hấp tránh hơi nước đọng lại làm nhão bánh.

Đổ nước khoảng 1/2 diện tích nồi, đun sôi rồi xếp xửng bánh khúc vào hấp. Khoảng 30-45 phút thì bánh khúc gạo lứt chín

Bước 6: Thưởng thức thành phẩm

Dùng thìa xới từng bánh khúc gạo lứt ra bát và ăn kèm cùng với lạc rang, ruốc, giò chả đều ngon.

Cách làm xôi khúc gạo lứt không hề khó, chỉ với vài ba bước đơn giản là chị em đã thỏa mãn “cơm thèm” món bánh khúc yêu thíc mà không sợ đồ nếp nóng cổ hay sợ béo nữa.

Món xôi khúc gạo lứt đen dẻo, ngon, không ngán
Món xôi khúc gạo lứt đen dẻo, ngon, không ngán

Với 3 cách làm xôi khúc mà không có lá khúc trên đây chị em lại có thêm món xôi biến tấu cho bữa ăn gia đình. Món xôi khúc thơm ngon nóng hổi luôn sẵn sàng đợi chị em trổ tài vào bếp.