Chẳng cần phải ra ngoài tiệm bạn đã có thể thưởng thức món bánh dày tự tay mình làm cực ngon. Cùng vào bếp với chi tiết 3 cách làm bánh dày truyền thống trong bài viết dưới đây nhé!
Nội dung
1 Cách làm bánh dày đỗ (đậu xanh) truyền thống đơn giản
Chỉ với vài bước đơn giản bạn đã học cách làm xong món bánh dày nhân đỗ (đậu xanh) truyền thống rồi. Bánh dày có vị ngọt, mặn tùy theo sở thích, lớp vỏ trắng nõn dẻo mềm, bao bên ngoài là lớp đậu xanh vàng mịn.
Nguyên liệu làm bánh giầy đỗ
200g Bột nếp | 150g Đường trắng |
20g Bột gạo tẻ | 30g Vừng trắng |
200g Đậu xanh | Dầu ăn |
100ml Nước cốt dừa | Muối |
Hướng dẫn cách làm bánh dày truyền thống từ bột nếp
Bước 1: Làm nhân đậu xanh bánh dày
Đậu xanh đã đãi sạch vỏ đem vo sạch lại. Ngâm đậu xanh với nước ấm từ 2-4 tiếng để hạt đậu nở mềm, khi hấp chín sẽ nhanh hơn. Sau khi ngâm xong, vớt đậu ra để cho ráo nước rồi xóc với 1 xíu muối cho đậm đà.
Bắc nồi nước lên bếp, khi nước sôi, đem xửng đỗ nhỏ vào nồi hấp chín mềm. Hấp đỗ nhỏ khoảng 15-20 phút. Kiểm tra khi xiết hạt đậu thấy bở tung ra là được. Khi hấp đậu xanh thì lót miếng vải mỏng ở miệng nồi để tránh hơi nước đọng và rớt xuống đậu xanh.
Đậu xanh đã chín, tắt bếp và chia làm 2 phần. 2/3 đậu xanh làm nhân bánh dày và 1/3 làm lớp áo đậu bên ngoài.
Phần nhân đậu xanh bánh giầy cho vào cối giã nhuyễn hoặc dùng máy xay sinh tố thêm 1 chút nước xay nhuyễn.
Lấy lượng đỗ đã làm nhuyễn bỏ vào chảo + 130g đường, thêm chút dầu ăn cho đỡ dính chão rồi bắt đầu sên. Bật bếp lửa nhỏ, sên cho đường tan, đỗ mịn sánh lại khoảng 80% thì chỏ 100ml nước cốt dừa vào sên cùng.
Sên nhân đậu xanh đảo thật đều tay cho tới khi nhuyễn mịn, đỗ đặc dẻo lại không dính chảo thì tắt bếp. Cho 30g vừng trắng đã rang chín vào và trộn đều. Nêu thích bạn có thể cho thêm dừa tươi nạo sợi vào trộn cùng.
Để phần nhân đậu xanh ra bát, đợi nguội bớt rồi vo thành từng viên tròn to nhỏ tùy thích.
1/3 đậu xanh còn lại bỏ vào máy xay sinh tố xay thật nhuyễn, tơi mịn rồi để riêng ra 1 tô.
Bước 2: Nhào bột nếp làm vỏ bánh dầy
Cho 200g bột nếp, bột tẻ vào 1 tô lớn, thêm 1 xíu muối, 1 ít dầu ăn. Thêm từ từ 200ml nước vào tô bột nếp rồi trộn đều. Trộn bột thật đều tay, nhuyễn mịn để bánh dày đạt được độ dẻo ngon mong muốn. Có thể trộn bột hơi nhão tý cũng được
Cho tô bột vào trong xửng hấp (hấp cùng đậu xanh luôn để kiệm thời gian) 20-25 phút. Kiểm tra bột chín bằng cách xiên đũa vào tô bột nếu không thấy bột sống dính đũa là được.
Đợi bột nếp khoảng 15 phút cho nguội bớt thì đem chia thành từng phần nhỏ để nặn vỏ bánh dày.
Bước 3: Nặn hình bánh giầy
Chia bột nếp chín thành từng phần nhỏ, rồi ấn dẹt xuống, đặt viên nhân đậu xanh vào giữa. Túm tròn bột nếp cho kín phần nhân vo tròn và ấn hơi dẹt.
Lăn bánh dày qua tô bột đậu xanh đã xay nhuyễn để tạo lớp áo đậu bên ngoài là hoàn thành rồi.
Bước 4: Thưởng thức thành phẩm
Bánh dày đậu xanh sau khi hoàn thiện là ăn luôn được rồi đó. Lớp vỏ nếp mềm cực kì dẻo, nhân đậu xanh bùi bùi thêm mùi thơm nước cốt dừa, vừng rang rất ngon miệng.
Bảo quản bánh dày tự làm được khoảng 2 ngày, bảo quản trong tủ lạnh được 3-4 ngày. Bạn nên làm lượng ít để khi ăn ngon dẻo hơn.
2 Cách làm bánh dày kẹp giò chả cực ngon
Bánh dày kẹp miếng giò hoặc chả to bự chà bá, cắn miếng mà đẫy miệng cực kì ngon. Cách làm món bánh dày giò này thì không hề khó tẹo nào.
Nguyên liệu làm bánh dày giò
300g Bột nếp | 150ml Sữa tươi không đường |
50g Bột gạo tẻ | Muối, Dầu ăn |
200g Giò lụa | Lá chuối tươi |
Hướng dẫn cách làm bánh giầy giò ngon dẻo tại nhà
Bước 1: Nhào bột nếp
Cho toàn bộ bột nếp, bột gạo tẻ, sữa tươi không đường vào trong tô lớn. Thêm chút muối vào trộn đều.
Từ từ thêm nước ấm vào và nhào bột cho tới khi bột trở thành khối dẻo mịn, không vón cục, không dính tay là được.
Bọc tô bột bằng màng bọc thực phẩm và để bột nghỉ khoảng 20-30 phút.
Bước 2: Nặn hình bánh dày
Lá chuối đem rửa sạch, để ráo nước rồi cắt thành hình tròn đường kính khoảng 1 ngón tay. Thoa 1 ít dầu ăn vào từng miếng lá chuối để khi đặt bột hấp bánh không bị dính lá.
Sau khi bột nghỉ xong thì lấy bột ra, ngắt bột thành từng miếng, vê tròn rồi ấn dẹt xuống. Độ dày miếng bột khoảng nửa lóng tay.
Đặt miếng bột vào từng lá chuối đã quết dầu. Làm lần lượt cho tới khi hết phần bột
Bước 3: Hấp chín bánh giầy
Bắc nồi nước, lượng nước khoảng 1/3 ngăn chứa rồi đun sôi. Khi nước sôi, xếp bánh dày vào xửng và đặt lên nồi nước đang sôi. Khoảng cách mỗi bánh dày nên cách xa nhau chút để khi chín bánh nở và tránh bị dính vào nhau.
Dùng khăn trùm lên miệng xửng để tránh khi hấp hơi nước đọng rơi xuống làm ướt bề mặt bánh dày.
Đậy nắp vung lại và vặn bớt lửa nhỏ, hấp bánh dày khoảng 10 phút thì bánh chín trong dẻo. Khi bánh dày chín thì bắc xửng ra và tắt bếp.
Bước 4: Thưởng thức bánh dày giò
Giò lụa đem thái thành khoanh tròn với đường kính tương đương với bánh dày. Độ dày miếng giò tùy thích người ăn. Kẹp miếng giò vào giữa 2 chiếc bánh dày là món bánh dày giò đã sẵn sàng để bạn thưởng thức rồi đó.
Bạn quan tâm:
3 Độc đáo cách làm bánh dày ngũ sắc giã tay của người Tày
Bánh dày ngũ sắc người Tày có 5 màu tượng trưng cho ngũ hành với mong muốn mùa màng bội thu, cuộc sống no ấm. Người Tày thường làm bánh dày ngũ sắc vào dịp Lễ, Tết, ăn mừng mùa vụ mới.
Bánh dày ngũ sắc được người Tày chế biến khá cầu kì, nhuộm màu gạo nếp từ thiên nhiên, nấu xôi rồi trực tiếp giã tay để tạo ra lớp vỏ bánh dày mềm dẻo. Nhân bánh được làm từ đậu xanh hấp chín nhừ bùi bùi ngon miệng.
Nguyên liệu làm bánh giầy ngũ sắc
400g Gạo nếp | Màu xanh: 1 nắm lá nếp |
400g Đậu xanh cà vỏ | Màu vàng: 2-3 củ nghệ tươi |
50g Vừng trắng rang chín | Màu đỏ, tím: 1 nắm lá cẩm đỏ và tím |
200g Đường trắng | Lá chuối tươi |
Dầu ăn, Muối | Dụng cụ: chày, cối, nồi hấp |
Hướng dẫn cách làm bánh dày nhiều màu giã tay từ xôi
Bước 1: Ngâm gạo nếp tạo màu
Để có được mẻ bánh dày ngũ sắc ngon thì trước hết cần nấu xôi ngũ sắc. Chất lượng xôi dẻo ngon sẽ quyết định tới hương vị bánh làm ra.
Gạo nếp chọn loại ngon, vo sạch, nhặt bỏ hết sạn rồi để ráo nước.
Cách tạo màu vàng cho xôi làm bánh dày: Nghệ tươi cạo bỏ vỏ, đem giã nát. Hòa 1 tô nước với bã nghệ, lọc lấy phần nước cốt qua rây rồi đem để ra tô riệng
Cách tạo màu xanh lá cho bánh dầy từ lá nếp: Lá nếp rửa sạch rồi cắt thành từng khúc. Bỏ lá nếp vào máy xay sinh tố cùng 1 tô nước, xay nhuyễn. Lọc lấy phần nước cốt qua rây rồi để riêng ra 1 tô
Cách tạo màu đỏ và tím cho xôi làm bánh giầy từ lá cẩm đỏ và tím. Lá cẩm đem rửa sạch, chia riêng 2 loại lá cẩm đỏ và lá cẩm tím. Cho lá cẩm vào nồi đun với 1 tô nước để cho ra màu khoảng 10 phút. Sau đó vớt bỏ lá cẩm, lấy phần nước màu đỏ và màu tím để riêng 2 tô.
Cách tạo màu xanh dương cho bánh dày có thể dùng lá cẩm tím hoặc hoa đậu biếc. Lá cẩm tím giã với tro bếp, pha thêm chút rượu và ngâm nước là ra màu xanh dương.
Sau khi đã pha chế xong các loại nước màu, chia gạo thành 5 phần đổ vào các tô nước màu. Bánh dày trắng làm từ xôi trắng nên gạo chỉ cần ngâm trong nước bình thường.
Ngâm gạo để qua đêm từ 6-8 giờ để màu sắc được ngấm vào hạt gạo và lên màu đẹp hơn.
Bước 2: Làm nhân đậu xanh bánh giầy
Đậu xanh đã đãi sạch vỏ, đem ngâm với nước ấm khoảng 2-3 giờ cho hạt đậu nở. Vớt đậu ra, để ráo nước và xóc với 1 ít muối, để nghỉ khoảng 10 phút.
Đem đậu xanh vào xửng hấp chín mềm. Đợi khoảng 10 phút nguội bớt rồi cho đậu xanh vào máy xay sinh tố xay thật nhuyễn mịn. Chia đậu xanh thành 2 phần: 2/3 làm nhân bánh dày, 1/3 làm lớp áo bột đậu bên ngoài.
Phần đậu xanh làm nhân đem trộn với 200g đường trắng rồi cho lên bếp để sên nhân. Sên nhân đậu xanh lửa nhỏ, thêm chút dầu ăn để không dính chảo, đảo thật đều tay cho tới khi đường tan hết. Đậu xanh dẻo, quánh lại thành 1 khối mịn thì tắt bếp
Đợi đậu xanh nguội bớt rồi vo đậu xanh thành từng viên tròn.
Phần đậu xanh tạo lớp áo thì để riêng ra 1 tô, trộn cùng với 50g vừng đã rang chín.
Bước 3: Đồ xôi nếp làm bánh giầy
Sau khi ngâm gạo nếp xong, vớt gạo ra để ráo nước. Mỗi phần gạo màu thì xóc với 1 ít muối cho đậm đà hơn, để gạo ngấm muối khoảng 10 phút.
Để từng phần gạo vào trong xửng hấp, mỗi màu ngăn cách riêng bằng lá chuối để tránh bị trộn màu. Cho 1 ít dầu ăn vào gạo nếp để tạo độ bóng dẻo cho xôi và khi giã xôi không bị dính nhiều.
Chuẩn bị nồi hấp xôi, đổ khoảng 1/3 ngăn chứa nước đun sôi. Bắc xửng gạo nếp lên hấp khoảng 20-30 phút là xôi chín kỹ, mềm dẻo.
Bước 4: Giã tay xôi làm bánh dày
Khi xôi chín và đang nóng dẻo nhất thì cho vào cối giã luôn. Dùng chày giã đến khi xôi thật nhuyễn thành khối mịn, nhìn giống như bột là được. Càng giã kỹ thì xôi càng nhuyễn mịn, không bị gợn.
Công đoạn giã bánh dày đòi hỏi sự kiên nhẫn. Khi giã tay thì xôi khá dính vào chày nên vừa giã phải dùng đũa lớn gỡ xôi ra để tiếp tục.
Khi xôi đã được giã thành khối bột dẻo thì lấy xôi ra ngoài, nhào lại lần nữa bằng tay. Chia bột thành những phần nhỏ để nặn bánh dày.
Bước 5: Nặn bánh dày
Lá chuối tươi rửa sạch, để ráo nước rồi cắt thành hình tròn đường kính 1 ngón tay
Vo tròn viên bột, ấn dẹt mỏng xuống và cho viên nhân đậu xanh vào giữa. Túm kín bánh dày lại khép kín nhân đậu, vo tròn rồi ấn hơi dẹt bánh.
Lăn bánh dày qua lớp bột áo đậu xanh rồi xếp lên lá chuối.
Bước 6: Thưởng thức thành phẩm
Món bánh dày giã tay từ xôi với nhiều màu sắc bắt mắt, dẻo ngon hấp dẫn. Nhân đậu xanh ngọt, bùi bùi thêm chút vừng rang càng tăng thêm hương vị.
Trên đây là 3 cách làm bánh dày giò và đậu xanh từ bột nếp cực kì ngon đơn giản tại nhà. Chỉ với những nguyên liệu và vài bước thực hiện bạn đã có được món bánh dày ngon như ngoài hàng chiêu đãi cả nhà rồi.