Cách làm bánh dẻo trung thu nhân thập cẩm cực kì đơn giản, nếu không tính công sên nhân thì chả mất mấy thời gian. Nhưng có công làm thì lúc thưởng thức bánh dẻo thập cẩm mình làm ra mới thấy vui thế nào. Ngoài những chiếc bánh dẻo màu trắng nõn thì chúng ta cùng biến tấu thêm chút màu sắc hoàn toàn sử dụng nguyên liệu tự nhiên.
Nội dung
Nguyên liệu làm bánh dẻo nhân thập cẩm nhiều màu
Dưới đây là phần nguyên liệu bạn cần chuẩn bị để làm được 3 bánh dẻo thập cẩm 150g và 2 bánh 50g
A. Vỏ bánh dẻo | B. Nhân thập cẩm bánh dẻo |
---|---|
400g Bột bánh dẻo | 50g Mứt sen |
5ml Tinh dầu hoa bưởi (hoặc vani) | 50g Mứt bí |
300g Đường trắng | 50g Hạt điều rang |
5ml Nước cốt chanh | 50g Hạt dưa rang |
Nguyên liệu tạo màu vỏ bánh dẻo: | 20g Vừng trắng |
Màu xanh lá: 1 Nắm lá dứa | 3 chiếc lạp xưởng |
Màu hồng: 1 Quả thanh long (hoặc củ dền) |
50g Mỡ đường ( Tự làm) ( 50g Mỡ lợn + 30g Đường ) |
Màu vàng: 3-5 Quả chanh dây | Nguyên liệu kết dính nhân: |
Màu nâu: 5g Bột ca cao | 50ml rượu Mai Quế Lộ |
Màu lam: 4-5 Hoa đậu biếc | 1 thìa cafe nước đường bánh dẻo |
Màu tím, đỏ: 1 Nắm lá cẩm đỏ và tím | 1 thìa cafe dầu hào |
20g Bột bánh dẻo |
Hướng dẫn cách làm bánh dẻo trung thu thập cẩm màu tự nhiên
Bước 1: Cách nấu nước đường tạo màu làm bánh dẻo
Ta sẽ nấu nước đường tạo ra 5 màu cho mỗi chiếc bánh dẻo. Nước đường có thể nấu trước từ hôm trước rồi để nguội hôm sau chỉ việc trộn bột làm bánh dẻo.
Lưu ý: Khi đun nước siro rau củ để màu đậm đẹp thì sử dụng lượng rau củ nhiều nhưng khi làm bánh dẻo sẽ ảnh hưởng tới mùi vị. Do vậy, hãy cân nhắc sử dụng lượng rau củ vừa phải khi tạo màu.
Nấu nước đường bánh dẻo cơ bản tạo màu trắng cho vỏ bánh dẻo
Khuấy 300g đường với 300ml nước nóng để cho tan hết, tỷ lệ đường và nước là 1:1. Bắc nước đường lên bếp vặn lửa lớn để mau sôi. Khi nước đường sôi thì hạ lửa nhỏ đun khoảng 5-10 phút thì cho nước cốt chanh vào. Tiếp tục đun khoảng 5 phút nữa thì tắt bếp, để nguội.
Khi đun nước đường tuyệt đối không khuấy đảo tránh bị kết tinh lại đường
Nấu siro chanh dây tạo màu vàng
Lựa những quả hơi héo sẽ ngọt hơn lại vừa nhẹ, được nhiều.
Chanh dây bổ đôi lấy phần thịt. Cho vào máy xay sinh tố + 100ml nước rồi quay một vài vòng, không quay nhừ hạt. Tán và lọc qua rây lấy nước cốt.
Hòa tan đường với nước chanh dây rồi cho lên bếp đun lửa lớn cho nhanh sôi. (Tỷ lệ đường với nước cốt chanh dây là 1:1). Khi nước sôi bùng thì hạ nhỏ lửa đun khoảng 5 phút nước cốt hơi sánh lại thì dừng. Lọc qua rây siro chanh dây thêm lần nữa để hết bọt rồi để nguội.
Nước cốt chanh dây có vị chua rồi nên không cần cho thêm nước cốt chanh vào nữa.
Tạo siro màu hồng từ củ dền
Củ dền đem rửa sạch, gọt vỏ rồi cắt thành từng miếng nhỏ. Cho 100g củ dền với 100ml nước, ngâm khoảng 10 phút cho ra màu, khi nấu sẽ nhanh hơn.
Sau 10 phút bắc lên bếp đun nấu lửa to cho nhanh sôi. Khi sôi bùng thì tắt bếp. Lọc qua rây lấy phần nước củ dền màu hồng đậm.
Hòa tan đường vào trong nước củ dền vừa thu được. Tỷ lệ đường : nước củ dền là 1:1. Nấu nước đường củ dền lửa lớn cho sôi bùng sau đó hạ lửa nhỏ, cho nước cốt chanh vào. Đun khoảng 5 phút nữa thì tắt bếp, để nước củ dền nguội.
Nước củ dền dễ bị mất màu khi đun do vậy hạn chế mở vung.
Cách tạo màu xanh, đỏ, tím từ lá dứa và lá cẩm
Lá dứa đem rửa sạch rồi cắt thành từng khúc. Cho lá dứa vào máy xay sinh tố cùng 100ml nước rồi xay nhuyễn. Lọc qua rây để lấy nước phần nước lá dứa màu xanh.
Lá cẩm đỏ và tím tách riêng 2 loại để tạo 2 màu đỏ và tím. Đem rửa sạch lá cẩm rồi cho vào nồi đun sôi với 100ml nước để cho ra màu. Lọc qua rây lấy phần nước màu để riêng ra 2 tô.
Hòa tan đường với nước lá dứa, lá cẩm vừa thu được. Tỷ lệ đường với nước lá dứa (lá cẩm) 1:1.
Bắc nước đường lên bếp đun lửa lớn cho mau sôi. Sau khi sôi bùng thì hạ lửa nhỏ, đun khoảng 5-10 phút thì cho nước cốt chanh vào. Tiếp tục đun khoảng 5 phút nữa thì tắt bếp, để nguội.
Cách tạo siro màu xanh lam từ hoa đậu biếc làm vỏ bánh dẻo
Hoa đậu biếc có thể dùng loại tươi hoặc khô. Bắc nồi lên bếp, cho hoa đậu biếc và 100ml nước đun sôi để cho ra màu. Lọc lấy phần nước cốt màu xanh lam
Hòa tan đường với phần nước hoa đậu biếc, tỷ lệ đường là 1:1. Cho nước đường hoa đậu biếc đun lửa lớn cho nhanh sôi sau đó hạ lửa nhỏ. Tiếp tục đun khoảng 5-10 phút thì cho nước cốt chanh vào, đun tiếp 5 phút nữa thì tắt bếp, để nguội.
Bước 2: Cách làm nhân thập cẩm bánh dẻo
Nhân thập cẩm bánh dẻo có khá nhiều nguyên liệu cần sơ chế, hầu hết đều là mua sẵn. Riêng phần mỡ đường tự làm nên ta sẽ làm trước 2-3 ngày.
Cách làm mỡ đường giòn trong cho nhân bánh dẻo nhanh nhất
Trước hết bạn cần chuẩn bị khoảng 50g mỡ thăn, 30g đường trắng, 1 xíu muối. Thông thường tỷ lệ mỡ lợn : đường sẽ là 1:2 là ngon nhất. Lượng đường tùy theo khẩu vị ngọt nhiều hay ít mà bạn cân đối sau nhé.
Mỡ lợn mua về đem rửa thật sạch, chần qua nước nóng. Bắc nồi lên luộc mỡ cùng 1 ít muối cho chín. Đợi mỡ lợn nguội chút thì thái thành hạt lựu.
Cho mỡ đã thái vào bát tô lớn, đổ 30g đường vào trộn đều. Đậy kín tô mỡ, để ở nơi khô ráo, thoáng đãng. Khoảng 2-3 ngày miếng mỡ trong lại là có thể dùng được rồi. Nếu bạn đem phơi chỗ nắng gió thì chỉ cần 1 ngày là sử dụng được ngay.
Mỡ đường đạt yêu cầu có độ trắng trong đẹp mắt, ngửi thơm, ăn giòn, độ ngọt béo vừa phải. Bạn có thể làm nhiều chút để dùng dần và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh > 1 tháng.
Trộn nhân thập cẩm bánh dẻo kết dính
Lạp xưởng, mứt sen, mứt bí đem cắt thành hạt lựu.
Hạt điều, hạt dưa, vừng rang đã rang chín, dập nhỏ. Lá chanh thái sợi nhỏ
Các nguyên liệu thái hạt lựu và dập nhỏ vừa phải, không quá nát, không làm quá nhuyễn.
Cho tất cả nguyên liệu bắc lên bếp, đảo qua đảo lại ở lửa nhỏ cho nóng.Thêm rượu mai quế lộ, nước đường bánh dẻo, dầu hào, 20ml nước lọc vào trộn thật đều. Sau đó rắc từ từ bột bánh dẻo vào đảo đều, khi thấy phần nhân có độ kết dính thì cho lá chanh vào và đảo thêm 1 vài lần nữa.
Nêm nếm độ ngọt mặn cho vừa ăn. Nếu thấy thiếu ngọt thì thêm nước đường, thiếu mặn thì thêm xì dầu (hoặc nước tương hay dầu hào)
Chắc bạn sẽ cần: Cách làm bánh dẻo trung thu nhân đậu xanh truyền thống
Lưu ý:
- Lượng rượu chỉ cho vừa phải, nhiều quá sẽ có mùi nồng và vị đắng
- Bột bánh dẻo làm nhiệm vụ kết dính, khi gặp nước sẽ nở ra để các nguyên liệu dính lại dễ dàng nắm viên. Nhiều bột bánh dẻo sẽ khiến nhân bị khô cứng khi nguội.
Sau khi trộn xong, nắm phần nguyên liệu thành từng nắm tròn. Bánh dẻo 150g thì khối lượng nhân cỡ khoảng 50g, 50g thì 15g phần nhân. Tỷ lệ vỏ bánh : nhân là khoảng 2 : 1
Bước 3: Cách trộn bột làm vỏ bánh dẻo thập cẩm
Để làm vỏ bánh dẻo có màu sắc đẹp mắt thì lấy siro rau củ đã nấu đem trộn với nước đường để lên màu.
Trộn bột làm bánh dẻo thập cẩm màu hồng từ siro củ dền. Lấy 3-4 thìa siro củ dền cho vào tô, tiếp tục cho thêm nước đường bánh dẻo vào. Lượng siro củ dền và nước đường cỡ khoảng 75g. Thêm tiếp 2g dầu ăn, 2 giọt tinh dầu bưởi (hoặc vani) rồi khuấy đều.
Cho từ từ 35g bột bánh dẻo vào đảo đều. Rắc 1 lớp áo bột bánh dẻo lên bàn, lấy bột từ trong tô ra rồi miết một vài lần cho mịn dẻo, không bị dính.
Tương tự đối với trộn bột làm vỏ bánh dẻo màu vàng từ siro chanh dây, màu xanh lá từ siro lá dứa; màu đỏ, tím từ siro lá cẩm; màu xanh làm từ siro hoa đậu biếc.
Đối với những loại bột cacao, bột trà xanh để tạo vỏ màu nâu hoặc xanh đậm. Lấy 75g nước đường bánh dẻo, 2g dầu ăn, 2 giọt tinh dầu bưởi (vani) cho vào tô. Từ từ cho 33g bột bánh dẻo, 2g bột cacao vào khuấy đều.
Lưu ý:
- Bột bánh dẻo đã trộn với nước đường thì nên nhanh đóng bánh. Bột bánh để lâu dễ bị chai, khi tạo hình không nét và đẹp. Do đó trộn lượng bột vừa phải khoảng 3 cái/lượt để đóng bánh rồi trộn tiếp.
- Lượng siro cho vào càng nhiều thì càng đậm màu, lên màu đẹp nhưng sẽ ảnh hưởng tới vị bánh khi ăn nên cân nhắc cho lượng vừa phải.
Học 3 cách làm món bánh dày nhân đỗ (đậu xanh) và bánh dày kẹp giò từ bột nếp cực dẻo ngon nhé: XEM NGAY
Bước 4: Đóng khuôn tạo hình bánh dẻo
Sau khi miết xong bột bánh dẻo thì đem phần bột vo tròn, cán dẹt mỏng. Cho nhân thập cẩm vào giữa phần bột rồi túm tròn lại, vo tròn. Rắc 1 lớp áo bột bên ngoài bánh dẻo.
Cho bánh dẻo vào khuôn, dùng tay ấn nhẹ để tạo nét sắc hơn. Để nguyên khoảng 3-5 phút rồi từ từ lấy khuôn ra khỏi bánh dẻo.
Như vậy, bánh dẻo thập cẩm màu sắc đã hoàn thành xong rồi đó. Bánh dẻo làm xong có thể thưởng thức luôn nhưng hãy để hôm sau ăn thì bánh sẽ trong và ngon hơn nhé.
Bánh dẻo thập cẩm tự làm bảo quản ở nhiệt độ bình thường được khoảng 2-3 ngày, để trong ngăn mát tủ lạnh được khoảng 5-7 ngày.
Với cách tạo màu làm bánh dẻo thập cẩm từ siro rau củ như trên có thể áp dụng cho nhiều loại bánh dẻo đậu xanh, nhân sữa dừa, cốm dừa,….Món bánh dẻo thập cẩm vừa màu sắc đẹp mắt vừa cực kì ngon miệng.