Bánh tro là loại bánh thuần Việt, đậm chất quê, thường được ăn vào dịp Tết Đoan Ngọ. Đặc trưng của món bánh tro là màu vàng óng trong như hổ phách, bánh có vị nhạt chấm ăn kèm với mật mía, giúp trung hòa bớt độc hại trong ăn uống. Cách làm bánh tro truyền thống cũng không quá khó. Cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!
Nội dung
Truyền thống ăn bánh tro vào ngày Tết Đoan Ngọ
Từ xưa, bánh tro hay còn gọi là bánh gio được chuẩn bị sẵn trên mâm cúng trong dịp Tết Đoan Ngọ mồng 5 tháng 5 Âm lịch. Vào ngày này mọi người thường chuẩn bị rất nhiều đồ ăn như mâm hoa quả ngũ vị (cay, chua, đắng, mặn, ngọt), bánh tro, xôi, thịt vịt,….với ý niệm “diệt trừ sâu bọ”, mùa màng bội thu.
Gọi là bánh Tro vì nước để ngâm gạo nếp và nấu bánh đều được lấy từ nước tro (nhiều loại cây lá phơi khô rồi đốt thành tro). Gạo nếp sau khi ngâm qua nước tro được gói vào lá dong rồi đem luộc chín. Khi ăn bánh tro chấm kèm với mật mía.
Bánh tro gọi là bánh âm vì có đặc tính tư âm, bổ âm do nguyên liệu tạo tro và chế biến có tính âm (toàn bộ là thực vật và khoáng canxi, kali,…)
Bánh tro có vị nhạt, khi ăn chấm kèm mật mía vị ngọt, tính mát, thanh nhiệt, dễ tiêu hóa, trung hòa bớt độc hại trong ăn uống bảo vệ sức khỏe.
Bạn quan tâm:
Cách làm bánh tro dài mật mía truyền thống
Bánh tro dài (bánh gio) là đặc sản nổi tiếng của ẩm thực Bắc Giang: Bánh tro làng Cò, bún Đa Mai, vai làng Đò, giò làng Thương, tương làng Bún,…..Nguyên liệu làm bánh tro làng Cò từ gạo nếp ngâm nước tro gói lá dong và đem luộc chín. Khi bóc lớp vỏ lá dong, bánh tro gây ấn tượng bởi màu vàng óng trong như hổ phách, dẻo thơm, bắt mắt.
Bánh tro làng Cò ngày nay không chỉ được bán vào dịp Tết Đoan Ngọ mà vào ngày thường người dân cũng dễ dàng mua tại các chợ dân sinh, hàng quán.
Muốn làm loại bánh tro dài làng Cò thì cần phải lựa loại gạo nếp ngon, nước tro thì lấy từ các loại cây lá rồi đốt thành than, công đoạn pha với nước vôi để tránh bị nồng……
Nguyên liệu làm bánh tro dài chấm mật
Gạo nếp 500g | Muối |
Nước tro (tự làm) | Dây lạt |
Lá dong | Nồi luộc bánh tro |
Hướng dẫn cách làm bánh tro truyền thống đơn giản
Bước 1: Cách làm nước bánh tro
Nguyên liệu làm tro sử dụng 7 loại cây như: rơm rạ nếp, cây dền gai, cây vừng (mè), bẹ hoa cau, thạp nhạp, cây tầm gửi (mọc trên các cây lành như dâu, bưởi, khế…), vỏ bòng (bưởi). Ngoài ra còn có thể sử dụng: cây sim, dây mướp khô, quả dầu sở, vỏ đậu tương (đỗ nhỏ),…..
Đốt các nguyên liệu trên để thu được tro. Lọc tro qua sàng, dần để thu được tro mịn.
Cách làm nước vôi trong hòa với tro: Hòa vôi tôi vào nước lạnh, để lắng đọng khoảng 1-2 tiếng. Tỷ lệ pha khoảng 10g vôi bột pha với 1 lít nước lạnh. Khi đã lắng đọng thì dùng khăn lọc phần cặn và lớp màng mỏng ở phía trên nước vôi. Ta gạn ra được nước vôi trong để dùng.
Đổ tro vào nước vôi trong và đánh kỹ. Đợi nước lắng xuống và hỗn hợp nước vôi và tro trong lại, có màu vàng hổ phách thì đạt yêu cầu. Cách làm nước tro rất quan trọng, nếu nhiều vôi quá thì bánh tro sẽ có mùi nồng, ăn mất vị ngon. Nếu ít vôi quá thì không đạt được màu sắc đẹp và độ trong dẻo của bánh.
Để thử xem nước tro đạt yêu cầu hay chưa thì dùng lát măng tươi làm chỉ thị màu. Nếu nhúng măng vào hỗn hợp nước tro màu vàng là được. Nếu vàng quá đậm thì cho thêm nước để hòa loãng bớt vôi. Nếu nhúng măng vào có màu trắng thì hòa thêm vôi.
Bước 2: Ngâm gạo nếp với nước tro
Gạo nếp chọn nếp cái hoa vàng là ngon nhất, hạt gạo mẩy, không gẫy vụn khi xay xát. Vo gạo bằng nước sạch rồi để cho ráo nước.
Ngâm gạo với hỗn hợp nước tro khoảng 20-22 tiếng. Ngâm khi nào lấy tay xiết hạt gạo mủn ra, vỡ vụn là được.
Sau khi ngâm xong, vớt gạo ra để ráo nước, xóc với 1 ít muối để bánh đậm đà hơn.
Bước 3: Cách gói bánh tro dài
Bánh tro gói bằng lá dong hoặc lá chít (loại tre lá to).
Lá dong chọn lá lành nguyên, không bị rách, rửa sạch, luộc với nước nóng cho lá mềm để dễ gói bánh. Khi gói, lau thật khô lá dong rồi tước hết phần gân lá, cuống lá.
Gói bánh tro dài bằng lá dong: Đặt lá dong xuống mâm thật phẳng. Trải gạo dọc theo chiều lá dong. Ước chừng kích cỡ chiều rộng bánh tro dài chỉ khoảng 2 ngón tay người lớn. Ghép 2 mép lá với nhau rồi gấp vuông 2 đầu, buộc lạt cho chắc chắn. Không buộc lạt quá chặt vì gạo nếp còn nở khi chín.
Bước 4: Luộc chín bánh tro
Dưới đáy nồi nồi xếp cuống lá dong để cho khỏi sát nồi rồi lần lượt xếp bánh tro vào trong. Đổ nước lạnh ngập mặt bánh tro, thêm nước tro vào trong nồi luộc bánh. Đặt vật nặng lên trên bánh tro để bánh không nổi khi luộc.
Khi luộc bánh, thấy nước cạn thì chế thêm nước lạn vào nồi. Luộc bánh khoảng 2-3 tiếng là bánh nhừ. Vớt bánh ra để nguội.
Bước 5: Cách làm mật mía chấm bánh tro
Nước mía ép mùa từ ngoài chợ về hoặc tự ép mía cây lấy nước. Lọc phần nước mía qua lớp vải để loại bỏ cặn bã.
Đổ nước mía đã lọc vào nồi nấu. Đun lửa to cho nước mía nhanh sôi rồi hạ lựa để sôi liu riu. Lửa to quá sẽ làm cháy khét mật. Dùng muôi vớt lớp bọt nổi lên ra khỏi nồi.
Trong quá trình đun nước mía, luôn phải đảo đều tay cho đến khi cô lại thành chất lỏng đặc màu vàng nâu là được.
Bước 6: Thưởng thức bánh tro
Bánh tro để nguội, bóc lớp vỏ lá dong thì gạo nếp chín nhừ, nuột nà, màu trong trong suốt như hổ phách, ăn mát, dẻo ngon. Bánh tro không nhân, khi ăn chấm kèm mật mía ngọt mát.
Lưu ý trong cách làm món bánh tro chấm mật mía
Để làm được món bánh tro ngon thì từ khâu chọn nguyên liệu và chế biến đều cần khéo léo.
- Bánh tro đạt yêu cầu cần có màu vàng trong như hổ phách, nuột nà, dẻo, thanh mát
- Ở mỗi địa phương, vùng miền thì nguyên liệu để làm tro gồm nhiều loại cây lá khác nhau.
- Công đoạn đánh nước vôi trong và tro rất quan trọng để tạo nên hương vị và màu sắc cho món bánh tro.
- Khi gói và luộc bánh tro không được để dây mỡ vào, bánh sẽ bị ngân, không nhừ.
- Hiện nay, nước tro tàu được sản xuất và bán trên thị trường, tên gọi Kali Hydroxit (KOH) hoặc Natri Hydroxit (NaOH), dưới nhiều dạng: dạng viên, dạng bột, dạng nước,…nhằm thay thế nước tro truyền thống. Hãy cân nhắc và đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng loại nước tro tàu này.